Đoàn công tác Bộ GDĐT làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng
Lượt xem:
Chiều 18/3, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về tình hình phát triển giáo dục, đào tạo của địa phương. Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT.
Làm việc với đoàn về phía thành phố Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, các Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo Sở GDĐT và các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh cuộc làm việc
Báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Bích Thuận cho biết: Toàn thành phố hiện có 189 trường mầm non với 56.679 trẻ; 99 trường tiểu học với 109.352 học sinh; 57 trường THCS với 66.993 học sinh; 23 trường THPT với 34.983 học sinh và 3 trung tâm với 3494 học viên.
UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó quy hoạch bảo đảm điều kiện về đất đai, trường lớp để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường phát triển xã hội hóa giáo dục.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thành phố Đà Nẵng đã có những chuẩn bị tích cực về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kết quả triển khai những năm đầu tiên đạt yêu cầu đề ra. Hiện thành phố đang tập trung chuẩn bị cho việc triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10, trong đó đội ngũ giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ đối với lớp 3 cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Mặc dù thiếu giáo viên ở Đà Nẵng không “gay gắt” như một số địa phương khác, song đây cũng là một trong những khó khăn đặt ra, nhất là với các môn tới đây sẽ thực hiện ở lớp 10 là Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, Bộ GDĐT cần quyết tâm, quyết liệt để có giải pháp thực hiện, không vì ban đầu thiếu giáo viên mà bỏ qua những môn học mang tính thẩm mỹ giúp giáo dục được những học sinh “tròn trịa”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc làm việc
Ứng phó với dịch bệnh Covid-19, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chỉ đạo, quyết sách nhằm vừa đảm bảo an toàn trường học, vừa kiên trì chất lượng giáo dục, đồng thời có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho học sinh các cấp. Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng như việc chủ động chuyển đổi hình thức trực tiếp – trực tuyến đã được các trường tiến hành có nền nếp, dần ổn định tình hình dạy – học.
Nhận định về sự nỗ lực của ngành Giáo dục trong hơn 2 năm ứng phó dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học cũng như đảm bảo được sự an toàn cho giáo viên và học sinh.
Một trong những nội dung được quan tâm đề cập trong báo cáo của thành phố Đà Nẵng tại cuộc làm việc với đoàn công tác Bộ GDĐT là tiến độ thực hiện dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc. Theo đó, dự án được tái khởi động vào cuối kỳ trung hạn 2016-2020. Để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đề nghị Bộ GDĐT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo để tập trung thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ GDĐT đã trao đổi, tư vấn và giải đáp nhiều vấn đề giáo dục mà thành phố Đà Nẵng đang quan tâm như bài toán về cơ sở vật chất, xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; quy hoạch mạng lưới các trường đại học; phát huy nguồn lực các trường đại học để phát triển kinh tế – xã hội địa phương; giải pháp để có nguồn tài chính triển khai dự án Đại học Đà Nẵng; hướng phát triển của Đại học Đà Nẵng…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc
Nhắc tới những thuận lợi của giáo dục Đà Nẵng với các chỉ số giáo dục mà các địa phương thuộc vùng khó khăn phải mơ ước, song Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, so với tầm vóc, sức ảnh hưởng của một thành phố có bước phát triển mạnh mẽ, ngoạn mục thời gian qua và những mục tiêu, kỳ vọng trong tương lai, thì những chỉ số về giáo dục hiện nay của Đà Nẵng là chưa thể hài lòng; thách thức, khó khăn đặt ra trước mắt với giáo dục thành phố là không nhỏ.
“Câu chuyện chúng ta cần bàn là câu chuyện phát triển giáo dục sao cho tương xứng với Đà Nẵng, là câu chuyện phát triển bền vững trong tương lai như thế nào. Đà Nẵng phải có nền giáo dục tương xứng với vị trí số 1 một miền Trung”, nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đồng thời đề nghị, thành phố cần đặt mục tiêu phát triển giáo dục chất lượng, theo chiều sâu, với các chuẩn cao hơn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng, thành phố cần sớm có quy hoạch phát triển giáo dục, đi kèm với đó là những dự báo về nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế – xã hội của thành phố. Quy hoạch này phải có và phải tính đến mức chuẩn cao hơn. Ngoài giáo dục đại trà, Đà Nẵng cần quan tâm tới giáo dục mũi nhọn, giáo dục tài năng, giáo dục đặc biệt. Trong không gian dành cho giáo dục phải tính đến các không gian ngoài nhà trường, để mọi người dân có thể học tập ở bất cứ đâu. Mạng lưới các trường đại học với vai trò là các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng phải được nằm trong quy hoạch này.
Với việc đổi mới tầm nhìn về giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, thành phố Đà Nẵng sẽ dồn nguồn lực tài chính và không tiếc nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục để đầu tư theo chiều sâu. “Có như vậy mới có một Đà Nẵng của tương lai”, Bộ trưởng nói và mong rằng, thành phố sẽ đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, mạnh dạn có những bước đi thí điểm trong hợp tác công tư, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục; đồng thời đầu tư nhiều hơn cho giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Bộ GDĐT
Đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị thành phố coi đây là công việc lớn để có kế hoạch chuẩn bị nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho 3-4 năm tới, bởi với tốc độ thực hiện “cuốn chiếu” rất nhanh tới năm 2025 nếu không tập trung cao độ sẽ khó làm được.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã có những trao đổi cụ thể về định hướng, giải pháp phát triển Đại học Đà Nẵng và triển khai dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý đặc biệt tới những giải pháp mang tính thực chất và bền vững.
Cảm ơn những trao đổi, góp ý của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thành viên đoàn công tác Bộ GDĐT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, những góp ý, trao đổi này sẽ giúp cho Đà Nẵng định hướng phát triển giáo dục, đào tạo xứng tầm với vị trí của thành phố. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bày tỏ mong muốn, sau cuộc làm việc với tính chất khởi đầu này, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cho Đà Nẵng trong xây dựng, triển khai quy hoạch giáo dục của thành phố nói riêng và các nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo nói chung.
Với những việc, nhiệm vụ còn khó khăn, hạn chế của giáo dục Đà Nẵng được Bộ GDĐT nêu ra tại cuộc làm làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở GDĐT báo cáo cụ thể, đưa ra các giải pháp khắc phục để Thường trực Thành ủy có chỉ đạo trong thời gian tới.
Trước đó, sáng 18/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến kiểm tra thực tế dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý – Điện Ngọc; thăm Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học công nghệ Việt – Hàn thuộc Đại học Đà Nẵng. Ngày mai (19/3), đoàn sẽ có cuộc làm việc với Đại học Đà Nẵng.